(Theo báo Công Thương) Các trang Fanpage giả mạo tung giá rẻ bất thường để lừa đảo khách du lịch mùa cao điểm. Chuyên gia cảnh báo, đừng để tích xanh, lượt theo dõi đánh lừa lòng tin.
Bước vào mùa cao điểm du lịch, nhiều fanpage mạo danh khách sạn, công ty du lịch tung chiêu lừa đảo dưới vỏ bọc khuyến mãi, giá rẻ. Ông Nguyễn Văn Quảng, chuyên gia trong lĩnh vực khách sạn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Set up và Quản lý Khách sạn Viet Orient (VOH) nhận định, đa phần các trang fanpage hiện nay quảng cáo mời gọi với quá nhiều ưu đãi bất thường rất có thể là giả mạo. Để giúp người tiêu dùng tránh "mắc bẫy" lừa đảo, ông Quảng đã chia sẻ cách nhận biết và phòng tránh để du khách không mất tiền oan, có kỳ nghỉ trọn vẹn.
Tìm hiểu thông tin từ các website chính thức thay vì fanpage
- Trong mùa cao điểm du lịch, tình trạng các fanpage giả mạo, lừa đảo khách hàng có xu hướng gia tăng. Ông có thể chia sẻ những dấu hiệu nhận biết phổ biến của các fanpage này?
Ông Nguyễn Văn Quảng: Tình trạng fanpage mạo danh hiện nay ngày càng tinh vi. Có trang giả mạo được lập trước cả fanpage chính thức, có lượt theo dõi cao, nội dung và hình ảnh được đầu tư kỹ lưỡng, thậm chí được gắn cả “tích xanh”. Điều này khiến không ít người, kể cả người trong ngành, khó phân biệt thật giả nếu chỉ nhìn lướt qua.
Ông Nguyễn Văn Quảng trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề lừa đảo khách du lịch từ các trang fanpage "ma". Ảnh: TH
Tôi luôn khuyên khách hàng không nên dựa vào lượng theo dõi hay biểu tượng xác thực để xác định độ tin cậy. Facebook hiện cung cấp công cụ “Tính minh bạch của Trang”, nơi người dùng có thể xem lịch sử đổi tên, thời điểm lập trang, và vị trí địa lý của quản trị viên. Nếu một khách sạn tại Việt Nam nhưng người quản trị lại ở Cambodia hoặc nước ngoài, thì khả năng cao đó là trang giả.
Ngoài ra, các bài đăng thường bị sao chép từ trang chính thức nhưng được chỉnh sửa thời gian đăng, khiến người xem tưởng như nội dung gốc.
Trong thời đại mà giá phòng đều được công khai trên website chính thức và các nền tảng đặt phòng trực tuyến uy tín như Booking, Agoda, Traveloka…, nếu một fanpage đưa ra mức giá thấp bất thường so với thị trường, đặc biệt là trong mùa cao điểm, thì đây rất có thể là một cái bẫy.
- Với tâm lý muốn săn tour giá rẻ, nhiều du khách dễ bị mắc bẫy từ các trang giả mạo. Vậy theo ông/bà, đâu là những “chiêu trò” thường thấy của các đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội?
Ông Nguyễn Văn Quảng: Du khách có tâm lý muốn tiết kiệm chi phí, săn tour giá rẻ là điều hoàn toàn dễ hiểu, nhưng không thể phủ nhận rằng chính điều này lại trở thành “điểm yếu” mà kẻ xấu lợi dụng.
Chiêu thức phổ biến nhất là quảng cáo những gói tour hay combo phòng với giá cực kỳ hấp dẫn, thậm chí thấp hơn 30-50% so với giá thị trường kèm lời mời chào hấp dẫn như “ưu đãi giới hạn”, “nhận thêm khuyến mãi khi thanh toán ngay 100% tiền phòng”.
Các đối tượng lừa đảo thường nhắm vào các dịp lễ, Tết, mùa cao điểm du lịch hè, khách hàng dễ bị cuốn vào tâm lý sợ hết phòng, hết chỗ nên vội vàng thanh toán mà thiếu sự kiểm chứng cẩn thận.
Không chỉ dừng lại ở đó, hiện nay các đối tượng lừa đảo khách du lịch còn sử dụng nhiều phương thức tinh vi hơn, như thông báo "hệ thống đang gặp lỗi" và yêu cầu chuyển khoản lại, hoặc hoặc gửi các đường link giả mạo chứa mã độc, từ đó chiếm đoạt quyền truy cập thiết bị cá nhân, ứng dụng ngân hàng và rút sạch tài khoản. Điều này rất nguy hiểm và có thể xảy ra với bất kỳ ai, kể cả người đã có kinh nghiệm du lịch nhiều lần.
- Làm thế nào để người dân có thể xác minh được một fanpage du lịch có uy tín, được cấp phép và hoạt động hợp pháp, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Quảng: Thật ra việc xác minh uy tín của một fanpage không quá khó nếu người dùng dành một chút thời gian để kiểm tra tính minh bạch của trang. Ngoài ra, có một cách cũng rất đơn giản là hãy tìm kiếm Google Maps hoặc website chính thức của khách sạn hoặc công ty du lịch, sau đó đối chiếu số điện thoại, email và đường dẫn fanpage. Thông tin trên fanpage nếu trùng khớp hoàn toàn với website chính thức hoặc trên Google Maps thì có thể yên tâm phần nào.
Tôi cũng thường khuyên bạn bè và khách hàng của mình rằng, hãy gọi trực tiếp đến hotline của khách sạn được gắn trên website chính thức hoặc Google Maps để xác minh lại thông tin đặt phòng, chính sách ưu đãi… Chỉ mất vài phút gọi điện nhưng sẽ giúp chúng ta tránh được nhiều rủi ro đáng tiếc.
Doanh nghiệp cần chủ động bảo hộ thương hiệu
- Ông/bà đánh giá như thế nào về vai trò của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp du lịch trong việc ngăn chặn, cảnh báo tình trạng lừa đảo qua mạng?
Ông Nguyễn Văn Quảng: Đây là một vấn đề rất nhức nhối và có phần phức tạp, bởi các nền tảng mạng xã hội đều có trụ sở ở nước ngoài, trong khi các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng hiện nay không còn hoạt động đơn lẻ mà có tổ chức, quy mô, lại hoạt động ở bên kia biên giới nên gây khó khăn lớn trong việc quản lý và xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta bó tay. Trách nhiệm của cơ quan chức năng và các doanh nghiệp du lịch là liên tục cảnh báo người dân về các hình thức lừa đảo trực tuyến mới để người dân đề cao cảnh giác khi thực hiện giao dịch. Song song với đó, doanh nghiệp cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ thương hiệu, chủ động đăng ký bảo hộ với Cục Sở hữu trí tuệ, theo dõi và báo cáo ngay khi phát hiện hành vi mạo danh.
Ví dụ như tại Glenda Tower Mộc Châu Hotel - một khách sạn mà chúng tôi đang quản lý, nhờ đã thực hiện thủ tục bảo hộ thương hiệu nên chúng tôi có cơ sở pháp lý vững chắc để liên tục báo cáo, yêu cầu các nền tảng mạng gỡ bỏ fanpage giả mạo. Đó không chỉ là cách bảo vệ uy tín của khách sạn mà còn là trách nhiệm đối với khách hàng, để họ không trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo trực tuyến.
- Du khách cần lưu ý những gì khi đặt tour, phòng nghỉ, vé máy bay qua các nền tảng trực tuyến để tránh rơi vào bẫy lừa đảo trong mùa du lịch cao điểm, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Quảng: Lưu ý đầu tiên và theo tôi cũng là quan trọng nhất, là du khách đừng vội tin vào mức giá quá rẻ. Trong ngành du lịch, giá cả thường có mặt bằng chung và được công khai rộng rãi. Nếu thấy một ưu đãi quá tốt không ở đâu có thì thường nó không phải là thật.
Trang fanpage mạo danh Vinpearl Resort & Spa Ha Long để lừa đảo. Ảnh chụp màn hình
Thứ hai, hãy ưu tiên đặt phòng, đặt tour qua các nền tảng uy tín, đó có thể là website chính thức của khách sạn, công ty du lịch, hoặc qua các trang OTA lớn. Nếu đặt qua mạng xã hội, nhất định phải kiểm tra kỹ thông tin liên hệ, gọi điện xác nhận và chỉ thanh toán sau khi chắc chắn rằng đó là fanpage chính thức.
Mùa du lịch cao điểm là lúc ai cũng bận rộn, dễ nóng vội, nhưng cũng chính là lúc cần bình tĩnh nhất để đánh giá thông tin một cách khách quan và tránh được những bẫy lừa đảo trực tuyến tinh vi.
- Ngoài fanpage, còn những hình thức lừa đảo trực tuyến nào đang có xu hướng gia tăng trong lĩnh vực du lịch, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Quảng: Bên cạnh fanpage mạo danh, hiện nay còn nhiều hình thức lừa đảo mới xuất hiện với mức độ tinh vi hơn. Đơn cử như việc dựng lên các khu nghỉ dưỡng “ma”, tức là không hề tồn tại.
Kẻ gian lấy ảnh của một resort thật ở nước ngoài, rồi tạo fanpage quảng bá như một điểm đến mới tại Việt Nam với mức giá siêu hấp dẫn. Nhiều người đã tin tưởng chuyển khoản đặt cọc mà không hề hay biết mình đang bị lừa.
Gần đây còn nổi lên hình thức giả mạo website các công ty du lịch lớn để tuyển cộng tác viên “review du lịch nhận tiền”. Người tham gia được yêu cầu nạp một khoản tiền nhỏ để làm nhiệm vụ, ban đầu được trả thưởng nhanh để tạo niềm tin, nhưng sau đó bị dụ nạp số tiền lớn hơn và cuối cùng bị mất trắng hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.
Điều nguy hiểm nhất không chỉ là thiệt hại tài chính, mà còn là mất niềm tin vào các doanh nghiệp du lịch chân chính. Vì vậy, việc cảnh báo cộng đồng cần được thực hiện thường xuyên, không chỉ từ phía cơ quan chức năng hay doanh nghiệp mà cả từ chính người dùng. Khi giao dịch trên mạng, nhất là với dịch vụ du lịch, hãy luôn kiểm chứng thông tin và tuyệt đối không vội chuyển tiền chỉ vì thấy “giá hời”.
Xin trân trọng cảm ơn ông!